Tôi đã phiêu dạt theo những chuyến xe Bắc-Nam từ năm 17 tuổi. Chán làm lơ xe, sau 2 năm bốc hàng, giành khách cho chủ, tôi xin nghỉ để đi phụ hồ.
Dù công việc vẫn nặng nhọc nhưng tôi không phải ăn ngủ trên xe, lo giành giật từng người khách, bốc vác hàng bất kể giờ giấc nữa cho chủ xe nữa. Ít học, đầu óc chậm chạp, từ thằng trộn vữa, vác gạch chật vật mãi tôi mới lên được thợ chính.
Đầu nhảy số chậm hơn người khác nhưng được cái tôi làm gì cũng từ tốn, kỹ càng. Có lẽ vì vậy mà tôi được chủ thầu thương, cho đi theo mỗi khi ông đến đại lý lấy vật liệu xây dựng. Sau những lần như thế, tôi quen biết cháu gái ông chủ đại lý.
Là con gái một nhưng nghỉ học sớm, không có việc làm, cô ấy được cha mẹ gửi lên làm thuê cho chú ruột.
Sau một thời gian yêu nhau chúng tôi quyết định về chung một nhà. Gia cảnh như nhau nên bố mẹ hai bên không ai cấm cản. Thậm chí chú vợ tôi, ông chủ đại lý vật liệu xây dựng còn hứa sẽ hỗ trợ nếu vợ chồng tôi có ý định lập nghiệp bằng nghề này. Tuy nhiên, ông đưa ra điều kiện là chỉ hỗ trợ nếu tôi chấp nhận ở rể, về sống chung với bố mẹ vợ ở tận Cà Mau.
Tôi khi ấy như người chết đuối vớ được cọc nên không ngần ngại gật đầu. Tôi nghĩ mình sống không tệ, được gia đình vợ thương, dẫu có ở rể cũng không có gì xấu hổ, vất vả.
Thế rồi chúng tôi về Cà Mau. Bố mẹ vợ tôi bán một phần đất lấy tiền cho con gái làm vốn kinh doanh. Như đã hứa, chú vợ tôi cũng nhiệt tình hỗ trợ cháu rể mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Mở cửa hàng xong, tôi để vợ trông coi. Còn tôi vẫn tay bay, tay thước đi xây nhà kiếm thêm.
Tất tả mấy năm, cuộc sống của chúng tôi cũng dần dễ thở. Tôi mới dám nghĩ đến việc báo hiếu, thăm nom bố mẹ ở quê.
Tôi nhớ nhà và nhận thấy mình là đứa con bất hiếu. Mấy năm qua, tôi chỉ biết cắm đầu chạy lo cơm áo gạo tiền.
Tôi quên đi bố mẹ già ở quê. Khi con tròn 2 tuổi, tôi ngỏ ý mỗi dịp Tết sẽ đưa bé ra Bắc thăm ông bà nội. Nhưng ý định ấy của tôi đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Bố mẹ vợ không muốn cho vợ chồng tôi về thăm quê.
Ngày thường, khi biết tôi có ý định về thăm nhà, ông bà vừa khuyên vừa ra lệnh: “Giờ còn trẻ nên lo làm, lo tiết kiệm. Đừng đi lại nhiều, tốn kém”.
Mẹ vợ còn dùng tình yêu thương cháu ngoại để tạo áp lực, khiến tôi không dám đưa con về quê. Bà quả quyết con tôi đã quen khí hậu trong Nam, ra Bắc sẽ ốm đau. Mỗi khi con tôi gọi điện thăm ông bà nội, mẹ vợ tôi lại cố tình nói: “Tôi thương cháu quá. Bồng bế nó từ lúc đỏ hỏn đến giờ mến tay mến chân rồi nên không xa nó được”.
Thậm chí, bà còn bóng gió rằng tôi đang định đưa vợ con ra Bắc sống với bố mẹ đẻ nên cứ đòi về thăm nhà.
Nghe những câu ấy, tôi chẳng còn bụng dạ nào nghĩ đến việc đưa con về quê thăm bố mẹ. Đã thế, vì tôi ở rể nên từ lâu, bố mẹ vợ tôi đã mặc định tôi là người của ông bà. Dịp cuối năm, tôi được bố vợ giao trách nhiệm lo toan chuyện Tết trong nhà. Mấy ngày Tết tôi nhất định phải ở lại để quà cáp, chúc Tết họ hàng nhà vợ.
Theo cách hiểu của bố mẹ vợ tôi, đó là trách nhiệm và cũng là dịp để tôi tỏ lòng biết ơn những người đã giúp đỡ mình thoát khỏi cảnh ở trọ, làm thuê, kiếm ăn qua bữa.
Suốt mấy năm qua, chưa Tết nào tôi được đưa vợ con về thăm quê, chúc Tết bố mẹ, thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên. Năm nào, vào đêm giao thừa, ngồi nấu bánh tét, tôi cũng nhớ mùi thơm của nồi bánh chưng mẹ gói, vị chát, ngọt từ ly chè đặc của cha.
Mỗi khi hướng mắt về phía bàn thờ gia tiên nhà vợ, hình ảnh bố tôi tay run run, vịn ghế gỗ đứng lên thắp hương cho ông bà ở quê lại hiện ra trong đầu tôi. Những lúc ấy, mắt tôi bỗng nhiên nhòe đi, sống mũi cay cay như vừa hít phải hơi mù tạt. Năm nay, lại thêm một cái Tết nữa, tôi không về thăm nhà.
(Nguồn: Vietnamnet)